Chiều ngày 25 tháng 02 năm 2022, ông Ngô Ngọc Tình – Chủ tịch xã Láng Dài đã tiếp đón và có buổi làm việc tại trụ sở của Ủy ban Nhân dân Xã Láng Dài trực thuộc huyện đất đỏ tỉnh Bà rịa- Vũng Tàu với Đoàn Trường Đại học Quốc tế và Công Ty Địa ốc Long Phú.
Ông Trần Đình Văn – Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Long Phú phát biểu.
Trong buổi làm việc, ông Trần Đình Văn đã có những phát biểu chào mừng đoàn Đại học Quốc tế đã nhận lời phối hợp đến và làm việc với Ủy ban Nhân dân Xã Láng Dài. Qua đó, Công ty Địa ốc Long Phú mong muốn rằng sẽ hỗ trợ về kinh tế và các giải pháp đầu ra thu mua sản phẩm trọn gói cho người nông dân yên tâm tăng gia sản xuất. TS. Trần Thị Ngọc Diệp phát biểu tại buổi họp.
Tại buổi họp, TS. Trần Thị Ngọc Diệp đã có những phát biểu giới thiệu về Đoàn và giới thiệu về Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ, là đầu mối trong các hoạt động ký kết hợp tác nghiên cứu và chuyển giao với các địa phương, doanh nghiệp; TS. Diệp còn trao đổi thêm, chúng tôi được biết Công ty Địa Ốc Long Phú trực thuộc huyện Đất đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu là một doanh nghiệp lớn của tỉnh và rất có tâm huyết để hỗ trợ sự phát triển của địa phương chẳng hạn như Bảo quản củ khoai môn tươi sau khi gọt vỏ để đưa đến các kênh phân phối; Hợp tác nghiên cứu và sản xuất đông trùng hạ thảo trong ống nghiệm; Các hướng giải pháp về môi trường và các chuỗi cung ứng về sản phẩm nông nghiệp cho địa phương….và các hướng khác.
Ông Ngô Ngọc Tình – Chủ tịch xã Láng Dài phát biểu.
Ông Ngô Ngọc Tình cho biết, Xã Láng Dài là một trong những xã thuần nông với cơ cấu kinh tế là nông nghiệp, dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp trong đó nền kinh tế nông nghiệp đóng vai trò mũi nhọn. Ngành nông nghiệp Xã Láng Dài giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế xã hội chiếm 43,12% giá trị sản xuất các ngành kinh tế. Qua thống kê, rà soát hiện trạng, tổng diện tích khoai môn trên địa bàn xã là 10.2 ha/17 hộ. Trong thời gian qua, hiệu quả từ việc thu nhập khoai môn tương đối cao và ổn định. Tuy nhiên, để nâng cao mức thu nhập của người dân để tiến đến mức thu nhập và bền vững thì cần có tầm nhìn xa hơn bằng cách quy hoạch lại vùng trồng khoai môn để có sự đầu tư khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất góp phần cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm. Ông Ngô Ngọc Tình cũng mong Đoàn trường Đại học Quốc tế và Công ty Long Phú có thể đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên.
Bà Nguyễn Thị Thu Kiều – Phó phòng Nông nghiệp huyện Đất Đỏ
Đại diện phòng Nông nghiệp huyện Đất Đỏ, bà Nguyễn Thị Thu Kiều rất mong muốn được sự hỗ trợ của đội ngũ nhà khoa học của Trường Đại học Quốc tế và Công ty Long Phú. Bà cho biết thêm ngoài khoai môn (sản phẩm chính được địa phương quan tâm) thì Huyện cũng mong muốn được hỗ trợ thêm một số ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong các sản phẩm chủ lực khác như nhãn xuồng cơm vàng, lúa gạo, bơ, chuối, sầu riêng, mít, mãng cầu, măng cụt, lúa….
Đại diện Hội nông dân và người nông dân địa phương chia sẻ tại buổi họp.
Tiếp theo, Đại diện Hội nông dân và người nông dân trồng khoai môn và các sản phẩm khác chủ lực khác của huyện như nhãn xuống cơm vàng, mít, bơ… đã có những chia sẻ và mong muốn được hỗ trợ về khoa học và kỹ thuật để áp dụng vào trong canh tác, thu hoạch và tiêu thụ nhằm tăng giá trị nông sản của địa phương. Bên cạnh đó, họ cũng muốn Công ty Long Phú có thể kế hợp để ký kết hỗ trợ về phân bón, giống và ký hợp đồng bao tiêu đầu ra để người nông dân có thể yên tâm sản xuất và cung cấp nguồn sản phẩm ra thị trường.
Đoàn Trường Đại học Quốc tế chia sẻ các giải pháp cho người nông dân.
Sau khi nghe được các ý kiến và nguyện vọng trực tiếp từ Hội nông dân và người nông dân, TS. Trần Thị Ngọc Diệp đã có những chia sẽ sớm ký kết hợp đồng cùng với Công ty Long Phú để hỗ trợ người nông dân bảo quản khoai môn đã gọt vỏ; TS. Nguyễn Đình Uyên cũng chia sẽ và mong muốn đưa các giải pháp khoa học kỹ thuật, hay sấy khô để giúp người nông dân bảo quản sản phẩm; PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo đã chia sẽ hỗ trợ người nông dân trong các giải pháp phòng trừ bệnh trên các loại cây trồng ở địa phương trong thời gian tới; PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa chia sẽ cần có dự báo nhu cầu thị trường với các sản phẩm chủ lực của địa phương (khoai môn, nhãn xuồng cơm vàng,…) , phân tích lợi thế cạnh tranh giữa sản phẩm của địa phương khác từ đó có chiến lược phát triển vùng trồng một cách bền vững. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến sau thu hoạch, gắn kết logistics thông qua chú trọng vận tải, kho bảo quản. Xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương, chú trọng chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng, gắn kết khâu đóng gói tiêu chuẩn, bao bì; Phát triển kênh phân phối: có kế hoạch dài hạn và lộ trình (thị trường nội địa phía nam, phía bắc, thị trường quốc tế trong khu vực ASEAN, châu Âu – Mỹ….) tránh bị động vào 1 thị trường dễ xảy ra được mùa mất giá….phát triển E-commerce….
Đoàn Đại học Quốc tế tặng quà và chụp hình kỷ niệm.