Cần Thơ – Định hướng Nghiên cứu KHCN đến năm 2020

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Cần Thơ trở thành Thành phố hiện đại và văn minh, là đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành Thành phố công nghiệp trước năm 2020; là trung tâm kinh tế – xã hội, trung tâm giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa của Vùng đồng bằng sông Cửu Long; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của Vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước; là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu cụ thể

Khai thác, phát huy tối đa các tiềm lực, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, có hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp công nghệ cao.

Duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với mức bình quân chung cả nước. Tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 2006 – 2010 là 16%/năm, thời kỳ 2011 – 2015 là 17,1%/năm và thời kỳ 2016 – 2020 là 18%/năm.

GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 1.210 USD vào năm 2010, đạt 2.318 USD vào năm 2015 và đạt 4.611 USD vào năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ lần lượt là  5,5% – 20% – 16,2% trong giai đoạn 2006 – 2010; 6,2% – 20,6% – 16,2% trong giai đoạn 2011 – 2015; 6,5% – 19,3% – 18,1% trong giai đoạn 2016 – 2020. Cơ cấu kinh tế năm 2010 là: nông – lâm – ngư nghiệp 10,7%; công nghiệp – xây dựng 45,1%; dịch vụ 44,2%; đến năm 2020 là: nông – lâm – ngư nghiệp 3,7%; công nghiệp – xây dựng 53,8%; dịch vụ 42,5%.

Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân thời kỳ 2006 – 2020 khoảng 17,1% GDP.

Kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 2006 – 2020 tăng bình quân 20,8%/năm; trong đó giai đoạn 2006 – 2010 tăng bình quân 20,2%/năm, giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân 21,8%/năm và giai đoạn 2016 – 2020 tăng bình quân 21,3%/năm. Giá trị xuất khẩu bình quân đạt 690 USD/người vào năm 2010; 1.540 USD/người vào năm 2015 và 3.520 USD/người vào năm 2020.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC

1. Các ngành, lĩnh vực kinh tế

– Ngành nông nghiệp

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu của ngành theo hướng thâm canh và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; phát triển tổng hợp kinh tế vườn kết hợp với nuôi trồng thủy sản và các loại hình du lịch sinh thái, tạo cảnh quan xanh, sạch cho khu vực ngoại thành. Xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ – kỹ thuật cao. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nhất là dịch vụ cung cấp cây giống, hoa kiểng cho nhu cầu đô thị và du lịch.

Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh 1994) bình quân đạt    2.900 – 3.000 USD/ha vào năm 2010; 6.100 – 6.200 USD/ha vào năm 2020.

Diện tích đất nông nghiệp năm 2020 còn khoảng 97.000 ha, chiếm 69,1%; diện tích đất phi nông nghiệp tăng lên khoảng 43.000 ha, chiếm 30,9% tổng diện tích tự nhiên.  

 Ngành công nghiệp – xây dựng – tiểu thủ công nghiệp

Trọng tâm phát triển là công nghiệp chế biến. Từng bước đầu tư chiều sâu, đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: chế biến lương thực – thực phẩm, năng lượng, cơ khí và chế tạo máy, hóa chất và các sản phẩm hóa sinh, sinh học, điện và điện tử, tin học và vật liệu mới.

Sản xuất hàng tư liệu sản xuất phục vụ sản xuất nông, ngư nghiệp và chế biến nông, thủy sản sau thu hoạch của Thành phố và các tỉnh lân cận. Sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của Thành phố và trong Vùng. Phát triển các ngành hàng công nghiệp hướng về xuất khẩu dựa trên các lợi thế cạnh tranh về tài nguyên và lao động.

Xây dựng khu công nghệ cao; hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp, trung tâm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Thành phố, quận, huyện. Xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm có lợi thế phát triển và cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

 Ngành thương mại – dịch vụ.

Đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ để Thành phố trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ của Vùng đồng bằng sông Cửu Long; gắn thị trường Cần Thơ với thị trường các thành phố lớn, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước và các nước trong khu vực; thực hiện chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước đi đôi với hội nhập quốc tế. Phát triển thương mại với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Sắp xếp lại mạng lưới bán lẻ, dịch vụ. Khuyến khích phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ ở ngoại thành gắn với quy hoạch xây dựng các khu dân cư mới, phát triển giao thông, xây dựng thị trấn, thị tứ, chợ nhằm thúc đẩy phát triển ngành nghề, phân công lại lao động.

Phát triển du lịch: phấn đấu để Cần Thơ là “Điểm đến du lịch lý tưởng – an toàn – thân thiện”, nơi hội tụ của “văn minh sông nước Mê Kông”. Xây dựng các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí tổng hợp, Trung tâm Văn hóa Tây Đô, Trung tâm Hội nghị quốc tế và các khách sạn cao cấp. Mở rộng không gian du lịch ngoại thành với hệ thống du lịch vườn, du lịch nông thôn. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, các loại hình ẩm thực, tham quan mua sắm, giải trí cuối tuần. Kết hợp du lịch với hội thảo, hội nghị, du khảo văn hóa – lịch sử, phát triển các tuyến du lịch liên vùng và du lịch quốc tế. Đào tạo đội ngũ nhân viên du lịch chuyên nghiệp, phong cách phục vụ văn minh, lịch sự.

Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và có tác động thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ khác và có sức lan toả đến cả vùng. Phát triển nhanh dịch vụ vận tải (đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt, cảng); chú trọng phát triển dịch vụ viễn thông, dịch vụ khoa học – công nghệ, tư vấn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, dịch vụ đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao.

2. Về phát triển kết cấu hạ tầng

Huy động các nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, nâng cấp mạng lưới điện, thông tin liên lạc, hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp gắn với bảo vệ và cải thiện môi trường.  

Vào năm 2010, mật độ đường ô tô đạt 1,3 – 1,5 km/km2; mật độ điện thoại đạt 35,65 máy/100 dân; tỷ lệ số hộ được dùng điện đạt 99,5%; tỷ lệ dân nội thị được cung cấp nước sạch tập trung là 100%, dân nông thôn là 84%. Vào năm 2020, mật độ đường ô tô đạt 2 – 2,5 km/km2; mật độ điện thoại đạt 64 máy/100 dân; tỷ lệ số hộ được dùng điện đạt 99,8%; tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước sạch tập trung là 90%.

– Giao thông

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông cả về đường bộ, đường thủy, đường biển và đường hàng không, đủ sức phục vụ vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, để thành phố Cần Thơ thật sự là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông. Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông nội đô cần đảm bảo phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt, nhất là phù hợp với tuyến đường cao tốc kết nối cầu Cần Thơ đang được xây dựng.

+ Đường bộ: đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ 1A, 91, 91B, 80, tuyến quốc lộ Nam sông Hậu đạt tiêu chuẩn cấp II vào năm 2020; xây dựng các tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, Vị Thanh – Cần Thơ, Bốn Tổng – Một Ngàn (đoạn đi qua Cần Thơ). Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống tỉnh lộ, mở mới các tuyến đường vành đai và các trục đường nối từ các khu công nghiệp vào các trục giao thông chính. Xây dựng và nâng cấp các tuyến đường đô thị theo quy hoạch của thành phố, nâng cấp các tuyến đường ở các trung tâm quận, huyện đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Xây dựng và nâng cấp các tuyến đường huyện theo tiêu chuẩn cấp V, cấp VI đồng bằng, đạt 95% vào năm 2010 và 100% vào năm 2020; mở mới các tuyến đường quận, huyện quan trọng; hoàn chỉnh các tuyến đường liên xã, phường.

+ Đường sắt: đầu tư xây dựng tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh –  Cần Thơ.

+ Đường biển: nâng cấp và khai thác có hiệu quả hệ thống cụm cảng Cần Thơ đáp ứng nhu cầu vận tải và phù hợp Quy hoạch cảng biển Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

+ Đường sông : tập trung khai thác triệt để thế mạnh vận tải đường sông. Nâng cấp các tuyến đường thủy quốc gia: thành phố Hồ Chí Minh – Cà Mau (kênh Xà No) và thành phố Hồ Chí Minh – Kiên Giang (kênh Cái Sắn) đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp 1; các tuyến đường thủy: kênh Ô Môn, kênh Thị Đội (do Trung ương quản lý) đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp 2; các tuyến đường thủy cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp 4 và các tuyến đường thủy cấp huyện đạt tiêu chuẩn cấp 5.

+ Đường hàng không : nâng cấp sân bay Trà Nóc thành sân bay quốc tế.

+ Hệ thống bến, bãi vận tải thủy, bộ: các bến xe, bến tàu sẽ được đầu tư xây dựng ở tất cả các quận, huyện, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của nhân dân, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

– Cấp nước sinh hoạt: mở rộng công suất và hoàn chỉnh hệ thống phân phối nước tại các quận huyện, xây dựng hệ thống cấp nước cho các đô thị mới và các thị trấn, các phường mới thành lập; xây dựng hệ thống cung cấp nước tại các trung tâm xã, khu dân cư tập trung.

– Cấp điện: xây dựng Trung tâm Điện lực Ô Môn đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho thành phố và các tỉnh lân cận. Phát triển lưới điện Thành phố bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố theo từng giai đoạn quy hoạch.

– Thông tin liên lạc: tiếp tục hiện đại hóa, đa dạng hóa các loại hình phục vụ; mở rộng mạng lưới đi đôi với ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực bưu chính – viễn thông; nhanh chóng đưa dịch vụ Internet về đến các bưu điện văn hóa xã.

– Xử lý chất thải

+ Xây dựng các trạm xử lý nước thải trong các khu đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường theo các chỉ tiêu và tiêu chuẩn hiện hành; cải tạo và đầu tư xây dựng tách riêng hệ thống thoát nước mưa với hệ thống thoát nước thải, nhất là đối với các khu công nghiệp, đô thị mới. Tỷ lệ xử lý nước thải đạt 60% vào năm 2010 và 98% vào năm 2020.

+ Bố trí các bãi rác tập trung có quy mô và địa điểm phù hợp ở một số huyện ngoại thành. Quan tâm đầu tư các thiết bị kỹ thuật chuyên dùng cho thu gom và xử lý rác; xây dựng nhà máy chế biến rác với công nghệ tiên tiến để hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ thu gom rác thải khu vực đô thị đạt 90% vào năm 2010 và đạt 95 – 98% vào năm 2020.

3. Các lĩnh vực xã hội

– Về phát triển dân số

Dân số tăng nhanh trên cơ sở tăng dân số tự nhiên có kiểm soát, tăng dân số cơ học phục vụ phát triển đô thị và kinh tế công nghiệp – dịch vụ, dự kiến quy mô dân số đạt 1,3 – 1,4 triệu người vào năm 2010 và 1,65 – 1,8 triệu người vào năm 2020. Cơ cấu dân số thành thị – nông thôn là 60% – 40% vào năm 2010 và 70% – 30% vào năm 2020.

– Giáo dục – đào tạo

Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo; tăng cường đầu tư xây dựng mới trường lớp và trang thiết bị trường học; đa dạng hóa loại hình trường lớp, phát triển nhanh hệ trường tư thục; tiêu chuẩn hóa giáo viên và cán bộ quản lý.

+ Đến năm 2010, có 80% trường mầm non, 70% trường tiểu học, 40% trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; năm 2020 có 100% trường lớp các cấp học, bậc học đạt chuẩn quốc gia. Phổ cập bậc trung học phổ thông vào năm 2010. Từ năm 2010 có 100% giáo viên đạt chuẩn.

+ Đến năm 2010 có trên 40% tổng số lao động được đào tạo, phấn đấu 100% cán bộ các cấp tốt nghiệp trung học phổ thông và qua đào tạo chính trị, nghiệp vụ. Đến năm 2020, số lao động được đào tạo nghề chiếm 47,7% lao động trong độ tuổi, trong đó công nhân có bằng cấp, chứng chỉ 25,1%, trung học chuyên nghiệp 21,1%, cao đẳng 8,8%, đại học và trên đại học 45%.

Củng cố, mở rộng Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, mở  Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại các huyện mới thành lập, nâng cấp trường Trung học Y tế và Trung học Văn hóa – Nghệ thuật lên Cao đẳng, hình thành trường Cao đẳng đa ngành trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm; mở thêm trường đào tạo công nhân, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, đại học quốc tế, nâng cấp trường Đại học Cần Thơ thành trường trọng điểm quốc gia; đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng cho thành lập Phân viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để đào tạo cán bộ cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 Về y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Nâng cao hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, nâng cao sức khỏe của nhân dân; giảm dần tỷ lệ mắc bệnh, ngăn ngừa, khống chế có hiệu quả các dịch bệnh. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nâng cấp, mở rộng và hoàn chỉnh hệ thống các bệnh viện hiện có. Hoàn thành xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa thành phố; xây dựng thêm các bệnh viện chuyên khoa, trung tâm chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao cấp vùng; mở rộng đi đôi với nâng cấp cơ sở và trang bị cho hệ thống y tế cấp quận, huyện và phường, xã theo chuẩn quốc gia; tăng cường cán bộ y tế, nhất là bác sĩ cho vùng nông thôn. Bình quân có 8,3 bác sĩ/vạn dân và 22,8 giường bệnh/vạn dân vào năm 2010; 12 bác sĩ/vạn dân và 29,2 giường bệnh/vạn dân vào năm 2020.

Tiếp tục duy trì các hoạt động tuyên truyền, vận động về y tế trên diện rộng. Đến năm 2020, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi giảm xuống dưới 2%, giảm tỷ lệ tử vong mẹ do thai sản khoảng 0,5‰. Giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 20% năm 2010 và dưới 10% năm 2020. Tăng tỷ lệ thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lên 92% năm 2010 và 95% năm 2020.

– Về văn hóa – thông tin, thể dục – thể thao

Phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng con người phát triển toàn diện. Tạo bước phát triển mới về chất của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các công trình văn hóa, thông tin đồng bộ, đa dạng và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa – thông tin với chất lượng ngày càng cao. Phát triển mạnh sự nghiệp báo chí, xuất bản, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Phát triển nhiều loại hình thể dục – thể thao, đào tạo lực lượng vận động viên đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất thể dục, thể thao, hệ thống sân bãi cấp quận, huyện, phường, xã và các khu vực dân cư, bảo đảm phục vụ nhu cầu tập luyện, vui chơi và thi đấu thể thao của nhân dân; hoàn thành các công trình trong Khu liên hợp thể dục – thể thao thành phố với quy mô và tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô, Trung tâm Thể dục thể thao quốc gia IV và tăng cường hệ thống trung tâm văn hóa, nhà truyền thống, thư viện, phát thanh truyền hình, thể dục, thể thao ở cơ sở.

Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm thu hút các nguồn lực xã hội và làm phong phú các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao trong nhân dân.

Phấn đấu đến năm 2010, Thành phố có 88% gia đình văn hóa, 80% khu phố và 75% phường, xã đạt danh hiệu văn hóa; đến năm 2020, Thành phố có 98% gia đình văn hóa, 95% khu phố và  97% phường, xã đạt danh hiệu văn hóa.

– Xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách đối với người có công

Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo, giảm hộ nghèo xuống còn 4,5 – 5% vào năm 2010 và cơ bản giải quyết xong tình trạng hộ nghèo vào năm 2020 (theo tiêu chí mới) bằng các biện pháp đào tạo nghề, hướng nghiệp, tín dụng, nâng cao trình độ dân trí, tạo mọi điều kiện để người dân có công ăn việc làm, giải quyết nạn thất nghiệp theo mùa vụ. Xây dựng chung cư, hỗ trợ nhân dân giải quyết nhà không kiên cố ở đô thị, nhà tạm bợ ở nông thôn và các hộ tái định cư, các hộ có thu nhập thấp. Hỗ trợ các xã nghèo phát triển kinh tế. Bảo đảm mỗi hộ dân đều có nhà ở, trong đó nhà kiên cố, bán kiên cố và lâu bền chiếm từ 70% vào năm 2010 và 75% trở lên vào năm 2020.

Đến năm 2010, số lao động có việc làm ổn định đạt 65% và năm 2020 đạt 72%. 

Giải quyết tốt các chế độ để các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đạt mức sống từ trung bình trở lên so với cộng đồng nơi cư trú.

4. Khoa học – công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Hỗ trợ và khuyến khích đổi mới công nghệ;  lựa chọn công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước để áp dụng phù hợp với điều kiện địa phương. Thu hút đầu tư về khoa học – công nghệ và lực lượng lao động chất lượng cao từ các địa phương khác; tăng cường hợp tác khoa học – công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm sớm hình thành và phát triển thị trường khoa học – công nghệ, xây dựng khu công nghệ cao, đưa thành phố Cần Thơ thành Trung tâm Khoa học – công nghệ cấp vùng.

5. Môi trường

Bảo vệ và cải thiện môi trường. Ưu tiên phục hồi chất lượng nước sông, rạch, đặc biệt là khu vực nội thị; nghiên cứu biện pháp khai thác nước ngầm hợp lý, quản lý và xử lý ô nhiễm trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí và kiểm soát tiếng ồn; bảo vệ và phục hồi tính đa dạng sinh học. Xây dựng bộ máy quản lý môi trường vững mạnh và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

6. Quốc phòng – an ninh

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng toàn dân và xây dựng thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Củng cố, xây dựng lực lượng quân sự chính quy, từng bước hiện đại; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ. Xây dựng lực lượng công an trong sạch vững mạnh; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, tạo chuyển biến vững chắc về trật tự, an toàn xã hội.

IV. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN, LÃNH THỔ

– Vùng I : vùng bị ảnh hưởng lũ, bao gồm các huyện Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, một phần huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn, diện tích tự nhiên 94.390 ha, dân số đến năm 2020 là 624.200 người, mật độ 661 người/km2. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006 – 2020 đạt 11,9%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản – công nghiệp – dịch vụ là 15,7% – 39,6% – 44,7%, GDP bình quân đạt 2.757 USD/người vào năm 2020.

– Vùng II: vùng bị ảnh hưởng của thuỷ triều, bao gồm các quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền, một phần huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn, diện tích tự nhiên 44.590 ha, dân số đến năm 2020 khoảng 1.159.000 người, mật độ 2.600 người/km2. Kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 – 2020 đạt 19,3%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản – công nghiệp – dịch vụ là 0,7% –  57,4% – 41,9%, GDP bình quân đạt 5.609 USD/người vào năm 2020.

V. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

– Đối với khu vực nội thành, phát huy vai trò của trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức và công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; hình thành các khu chức năng gồm:

+ Khu đô thị trung tâm: Ninh Kiều – Bình Thủy;

+ Khu đô thị cảng – công nghiệp: Cái Răng;

+ Khu đô thị công nghiệp: Bình Thủy – Ô Môn;

+ Khu đô thị công nghệ: Ô Môn.

Đồng thời, hình thành và phát triển khu đô thị dịch vụ – công nghiệp Thốt Nốt và khu đô thị sinh thái vòng cung Bình Thủy – Phong Điền, làm cơ sở phát triển thành quận nội thành sau năm 2010.

– Đối với khu vực nông thôn, nâng cấp các thị trấn, hình thành một số thị  trấn mới, phát triển nông nghiệp sinh thái đa dạng và các dịch vụ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, gắn liền với bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

VI. ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

Trong giai đoạn 2006 – 2010, nghiên cứu điều chỉnh địa giới hành chính và chia tách các quận, huyện, phường, xã; thành lập 03 quận (Hưng Phú, Thốt Nốt, Phong Điền) và 01 huyện mới. Tổ chức đơn vị hành chính cấp quận, huyện gồm 07 quận, 03 huyện với 104 đơn vị hành chính cấp xã, phường, phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Giai đoạn sau năm 2010, ổn định quy mô 07 quận, 03 huyện; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh địa giới hành chính và chia tách một số phường, xã theo quy mô của từng quận, huyện.

VII. CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU (Phụ lục kèm theo).

VIII. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về nguồn vốn

Nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2006 – 2020 rất lớn. Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương thông qua các Bộ, ngành, từ các thành phần kinh tế ngoài Thành phố và đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ tín dụng đầu tư, từ nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Các giải pháp về nguồn vốn bao gồm: thực hiện tốt Quyết định số 42/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi cho Thành phố. Phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, liên kết với các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước. Thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Nghiên cứu việc thành lập Quỹ đầu tư phát triển đô thị, đơn vị chuyên môn xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Chính sách đất đai

Triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai cấp quận, huyện, đặc biệt chú trọng quy hoạch chi tiết các khu đất đô thị, đất khu cụm công nghiệp, đất khu trung tâm thương mại dịch vụ, khu trung tâm các xã và các tụ điểm dân cư quan trọng.

3. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực và thu hút nhân tài

Chuyển dịch nhanh cơ cấu dân số theo hướng phát triển dân số nội thị, ưu tiên tiếp nhận người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao và học vấn cao. Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, cho các học viên trường nghề, các lớp đào tạo thợ chuyên môn kỹ thuật và quản lý, đặc biệt có chính sách ưu đãi cho lao động từ nông nghiệp chuyển đổi.

4. Giải pháp phát triển tiềm lực khoa học công nghệ

Thu thập, phổ biến sâu rộng thông tin khoa học – kỹ thuật, thông tin kinh tế, thị trường đến các đối tượng người lao động. Tuyển dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ của các ngành khoa học, kỹ thuật. Vận động các tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia hoạt động và đóng góp trên lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường của Thành phố. Liên kết các Viện, Trường, Trung tâm, Nhà khoa học, liên kết các đề tài, dự án các cấp trong và ngoài Thành phố. Đầu tư cho chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, từng bước nâng cao năng lực cán bộ khoa học và chuyên viên kỹ thuật. Vận động thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ với vốn ban đầu của ngân sách và các khoản đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức để tài trợ (không hoàn lại, có hoàn lại, cho vay với lãi suất thấp) cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong Thành phố.

5. Nâng cao năng lực quản lý hành chính

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành Thành phố và các quận, huyện, tạo cơ chế phối hợp, nâng cao trách nhiệm giữa các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý nhà nước, trước hết là quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ phù hợp với từng giai đoạn phát triển và điều kiện cụ thể của Thành phố. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, chế độ công khai thông tin cho dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước, của chính quyền địa phương nhằm bảo đảm thực thi pháp luật nghiêm minh của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức.

6. Hợp tác phát triển

Hợp tác với các tỉnh và thành phố lớn trên cả nước trong lĩnh vực đầu tư sản xuất hàng hóa, du lịch, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hợp tác với các tỉnh trong Vùng cung ứng nguồn nông sản cho các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu; cho công nghiệp chế biến của Thành phố. Hợp tác trong lĩnh vực đầu tư sản xuất hàng tư liệu sản xuất cho toàn Vùng.