Sau thời gian nghiên cứu và xây dựng Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn trên nền tảng ứng dụng IOT, ngày 18/10/2019 vừa qua, Trung tâm KVMN về GDPTBV (Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TP.HCM) đã đến lắp đặt và vận hành thử nghiệm Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn tại khu vực trồng sầu riêng thuộc Ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên, H.Cai Lậy, Tiền Giang, nơi đây được xem như vựa sầu riêng của tỉnh và cũng là nơi dễ bị ảnh hưởng bới xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống cây trồng này.
Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn được xây dựng trên nền tản ứng dụng IOT, dữ liệu đo đạt sẽ được gửi liên tục lên sever, người dân có thể theo dõi trực tiếp trên ứng dụng điện thoại hoặc trên website, qua đó kịp thời điều chỉnh chế độ tưới tiêu cho phù hợp.
Làm việc với đoàn của Trung tâm và nghe giới thiệu về hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn, ông Lê Quốc Cường – Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam – rất phấn khởi khi tiếp nhận vận hành thử nghiệm hệ thống, ông cho biết đây là công trình nghiên cứu mới tại khu vực và có ý nghĩa rất quan trọng đối với bà con canh tác nông nghiệp. Tại nơi lắp thiết bị thử nghiệm, ông Trần Văn Hùng (chủ hộ trồng sầu riêng) cũng rất vui mừng khi được vận hành thử nghiệm hệ thống giám sát mặn tại nguồn cấp cho vườn sầu riêng của ông. Ông Hùng cho biết, với hệ thống giám sát này sẽ giúp ông chủ động trong việc lấy nước tưới, tận dụng tối đa nguồn nước ngọt trong mùa hạn mặn.
Bên cạnh đó, chuyến khảo sát còn có sự tham gia của 20 sinh viên thuộc các Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Quốc tế và ĐH Khoa học Tự nhiên nhằm nâng cao kiến thức của các em về nông nghiệp thích ứng với BĐKH, qua đó, các em có thêm ý tưởng cho cuộc thi thiết kế các sản phẩm xanh hỗ trợ nông nghiệp thích ứng với BĐKH (IU Green Product 2019) cũng do Trung tâm KVMN về GDPTBV tổ chức.