Trung tâm KVMN về Giáo Dục PTBV – Đại Học Quốc Tế phối hợp với Sở KHCN TPHCM tổ chức buổi Hội Thảo “Giáo dục STEM tại TPHCM và vai trò của các bên liên quan”

Với mục tiêu tạo diễn dàn để kết nối các bên liên quan hướng đến xây dựng hệ sinh thái giáo dục STEM, đặc biệt chú trọng vào giáo dục STEM ở bậc phổ thông, Trường Đại học Quốc Tế đã phối hợp với Sở Khoa học và Công Nghệ (KHCN) TP. HCM tổ chức buổi hội thảo “Giáo dục STEM tại TP. HCM và Vai trò của các bên liên quan”. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều đơn vị có liên quan, bao gồm Sở KHCN, Sở GDĐT Tp. HCM, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố (15 trường THPT và 33 THCS) và các phòng giáo dục đào tạo và phòng kinh tế các quận huyện tại Tp. HCM, và 12 doanh nghiệp (Intel, Saigon Scientist, …). Tổng khách mời tham dự hội thảo lên đến 100 người. Mục tiêu của chương trình hội thảo nhằm: đánh giá về hiện trạng giáo dục STEM ở phổ thông; nhận diện các bên liên quan có thể hỗ trợ cho giáo dục STEM tại Tp HCM; và Nhận diện các cơ hội có thể phối hợp các bên để nâng hiệu quả đào tạo STEM ở các cấp đào tạo.

Trong phần khai mạc, TS. Hồ Nhựt Quang – phó hiệu trưởng trường ĐH Quốc Tế nhấn mạnh “Đại Học Quốc Tế là trường đa ngành, trong đó có nhiều ngành về Khoa Học Công Nghệ, là một trong các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học kỹ thuật cho Tp HCM và cả nước. Do đó nhà trường rất quan tâm đến việc có thể tham gia cùng với các bên liên quan xây dựng hệ sinh thái STEM, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực về khoa học công nghệ, góp phần xây dựng và phát triển đất nước”.

Hội thảo STEM
Hình 1. Hồ Nhựt Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế phát biểu khai mạc Hội Thảo

Ngoài ra, cũng trong buổi khai mạc, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KHCN Tp. HCM chia sẻ: “Sở KHCN rất quan tâm tới việc hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, trong đó đề cao vai trò của giáo dục STEM. Giáo dục sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển KHCN của thành phố. Các Trường cũng nên chú trọng vào vấn đề khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp kiến thức toàn diện cho HSSV để có thể có những ý tưởng mới cho khởi nghiệp trong tương lai. Sở cũng đã thành lập trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo với hy vọng có thể hỗ trợ, tài trợ nhiều hơn những ý tưởng mới của HSSV”.

Hình 2. Ông Nguyễn Khắc Thanh – Phó Giám đốc Sở KHCN phát biểu khai mạc Hội Thảo

Nội dung buổi hội thảo bao gồm 6 tham luận do các thầy cô đến từ Trường ĐH Quốc Tế, Sở Khoa Công Nghệ Tp. HCM, đại diện các trường THPT và đại diện từ doanh nghiệp. Trong đó phần trình bày của TS. Nguyễn Huy Cường, Trưởng BM Anh, trường ĐHQT đã tổng hợp các bài học kinh nghiệm về giáo dục STEM tại nhiều nước, trong đó nhấn mạnh vai trò của hệ sinh thái STEM bền vững là điểm mấu chốt và là điểm chung có thể nhận thấy trong chiến lược phát triển giáo dục STEM tại các nước.

Hình 3. TS. Nguyễn Huy Cường – tổng hợp các bài học kinh nghiệm về giáo dục STEM tại các nước

Phần trình bày của GS.TS Võ Văn Tới – Trợ lý hiệu trưởng, Trường ĐHQT đã mang lại một ví dụ minh họa điển hình của việc ứng dụng giáo dục STEM. Tại hôi nghị, Thầy Tới cũng đã làm một thí nghiệm trực quan liên quan đến kỹ thuật y sinh, khiến cho hội trường trở nên sôi động và hào hứng hơn. Thầy Tới đã nêu ra sự cần thiết của việc tăng cường liên kết doanh nghiệp – đại học –phổ thông với sự hỗ trợ kinh phí của Sở nhằm nâng cao hiệu quả cho việc giáo dục STEM một cách hệ thống.

Hình 4. GS.TS Võ Văn Tới thực hiện thí nghiệm

Tham luận 4 về “Giáo dục STEM tại Tp. HCM – Chính sách và kết quả đạt được” do ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub (SIHUB), chỉ ra rằng, giáo dục sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn yếu. Bên cạnh đó, ông Tước cũng đánh giá tình trạng dạy và học STEM tại TP.HCM còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như, vốn dĩ chương trình STEM có đầy đủ 6 môn học, tổng cộng 24 khóa, tuy nhiên hiện nay các tổ chức, trường học chỉ chọn những chương trình học có tính hấp dẫn với trẻ như môn Robotic. Ngoài ra, việc có quá nhiều cuộc thi cũng như việc ép buộc phải ra sản phẩm ứng dụng không phù hợp với các em học sinh phổ thông cũng làm cho hiệu quả đào tạo STEM chưa cao.

Hình 5. Ông Tước chỉ ra những vấn đề bất cập trong giáo dục STEM tại TPHCM

Một số khó khăn trong việc triển khai thực hiện STEM tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng được thầy Ông Long Hải chia sẻ rất chân thực và nhận được nhiều đồng tình từ các đại diện trường THPT khác.

Đối với trường THPT Bùi Thị Xuân thì thầy Nguyễn Hùng Khương – hiệu phó nhà trường cũng nêu ra thực trạng “mặc dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong áp dụng giáo dục STEM ở CLB Khoa học kỹ thuật như học sinh tự tay làm ra những bánh xà phòng thiên nhiên từ dầu cọ, dầu dừa, tuy nhiên những bộ môn chính khóa vẫn là ưu tiên hàng đầu, do học sinh cấp 3 phải chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng là tốt nghiệp và vào Đại Học ”.

Ông Phan Quốc Hải, giám đốc Sài Gòn Scientists, nhấn mạnh 3 ý then chốt vai trò của các bên liên quan trong giáo dục STEM như sau (1) Sự kết nối giữa DN và trường THPT còn bị đứt quãng, bị phân cấp; (2) cần thiết sự chủ động của ban lãnh đạo trường kết nối với doanh nghiệp; (3) vai trò của DN: chủ yếu kỳ vọng vào các cty quốc tế hoặc tập đoàn lớn tổ chức những cuộc thi có liên quan đến STEM để tạo tiền đề các bước tiến về sau. Ông Hải cũng khẳng định hai đối tượng mà SG Scientist phục vụ là các GV và HS mong muốn tham gia vào STEM.

Hình 7. Ông Phan Quốc Hải – giám đốc SG Scientists trình bày tham luận từ góc nhìn doanh nghiệp

Trong phiên thảo luận chung, đại diện các trường THPT đã nêu khá nhiều băn khoăn, thắc mắc trong việc triển khai giáo dục STEM, cách khắc phục khó khăn liên quan đến áp dụng giáo dục STEM vào trường THPT… đến các diễn giả và nhận được nhiều phản hồi cũng như ý kiến góp ý. Trong đó có một số ý kiến nổi bật như:

  • Thầy Lê Thành (GV tại trường Lê Hồng Phong) ý kiến: “Về vấn đề NCKH STEM do “đầu tàu” KHCN tổ chức vẫn rất cần thiết. Cần có sự phân biệt giữa “giáo dục STEM” và “hoạt động STEM trải nghiệm” rạch ròi để dễ định hướng.
  • Ông Phan Quốc Hải ý kiến: “Sau quá trình học tập, điều DN cần là kỹ năng của người lao động, trong đó 3 yếu tố cần là (1) khả năng giao tiếp; (2) khả năng thích ứng, khả năng tự học hỏi; (3) khả năng ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh và tiếng Trung (sẽ phát triển và ảnh hưởng rất nhiều trong tương lai). Do vậy giáo dục STEM cần đảm bảo đáp ứng được những tiêu chí trên để tạo bước đệm cho HSSV khi bước vào thị trường lao động”
  • GS.TS Võ Văn Tới nhận định: “Theo tôi nghĩ, VN cần phải xét tới yếu tố nội tại, tránh bắt chước mô hình thành công ở các nước mà cần đầu tư vận dụng cho phù hợp với tình hình ở đất nước. Trước hết cần có những mô hình thí điểm trước sau đó hãy nhân rộng. Ngoài ra, với vai trò ở Trường Đại Học, chúng tôi rất sẵn lòng là cầu nối giữa doanh nghiệp và trường THPT trong việc thúc đẩy giáo dục STEM….”
  • Cô Nguyễn Thị Thu Trang (chuyên viên nghiên cứu STEM ở ĐHSP TPHCM) khẳng định: “chúng ta nên tập trung vào những thế mạnh, những cái mình đang có và bắt đầu từ đó để phát triển lên, từng bước một. Sự thay đổi về chính sách, điều kiện để thực hiện STEM chắc chắn sẽ có trong tương lai nhưng cần có lộ trình chứ chưa thể thay đổi ngay được. Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai thực hiện sẽ cung cấp nhiều cơ hội để tích hợp STEM vào chương trình giáo dục phổ thông một cách hệ thống và thuận lợi hơn”
Hình 8: GS.TS Võ Văn Tới chia sẻ và trả lời các câu hổi tại phiên thảo luận chung

Trong phát biểu bế mạc, PGS.TS. Phạm Thị Hoa, Trưởng Trung tâm RCE đã gửi lời cảm ơn tới tất cả quý vị đã tham gia, Cô hy vọng Hội Thảo này như một bước khởi động và sẽ tạo mối liên lạc, cầu nối cho các đơn vị đã tham gia ngày hôm nay có cơ hội kết nối và chia sẻ thông tin trong tương lai.

Hình 9. PGS.TS Phạm Thị Hoa – Trưởng trung tâm RCE phát biểu bế mạc Hội thảo