Thúc đẩy các phương pháp thực hành bền vững cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương và cải thiện sinh kế của người nông dân có hoàn cảnh khó khăn trước biến đổi khí hậu

Căn cứ theo Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) số 151/TTHT-SKHCN-ĐHQT ngày 26 tháng 9 năm 2023 giữa trường Đại học Quốc tế và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận. Được sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi từ Quý Sở, Uỷ ban nhân dân xã Phan Hoà – huyện Bắc Bình, Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong – Bình Thuận; Ủy ban nhân dân xã Bắc Sơn – Thuận Bắc – Ninh Thuận và Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt. 

Vào ngày 22 và 23 tháng 4 năm 2024, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm RCE khu vực miền Nam, do Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì gồm PGS.TS. Nguyễn Văn Hợp, Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp; TS. Hà Thị Xuân Chi, Phó Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp; TS. Nguyễn Đình Uyên, Giảng viên Khoa Điện – Điện tử; TS. Trần Thị Ngọc Diệp, Trưởng Trung tâm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ, Trưởng Trung tâm Trung tâm RCE khu vực miền Nam; ThS. Nguyễn Nhật Thoại, Chuyên viên Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ.

cùng với ThS. John Joshua Coward, Chuyên viên Viện Nghiên cứu Giáo dục về Môi trường, đại diện Trung tâm RCE British Columbia và North Cascades tại Đại học Simon Fraser, đã thực hiện một chuyến công tác nhằm kết nối các nông dân là người dân tộc thiểu số để khảo sát thực trạng sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản nhằm đưa ra giải pháp công nghệ sau thu hoạch, kết nối cung cầu vì nền nông nghiệp Việt Nam bền vững tại huyện Phan Hòa, Phan Thành – Bắc Bình, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và huyện Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Bắc Sơn-Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.  

Trong suốt chuyến đi, đoàn làm việc đã đến thăm nhiều cộng đồng bản địa khác nhau (Người Chăm ở Bình Thuận và Người Raglai ở Ninh Thuận) và có những tương tác đầy ý nghĩa với các nông dân ở đây. Đoàn chuyên gia khảo sát kỹ thuật canh tác đối với cây lúa, điều, nho và táo ta ở Bình Thuận và nha đam ở Ninh Thuận. Những kỹ thuật này đã được truyền qua nhiều thế hệ, dựa trên mối liên hệ sâu sắc với đất đai và thiên nhiên. Các trang trại địa phương gặp phải các vấn đề liên quan đến cung – cầu, bảo quản nông sản, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước ngọt, dẫn đến sự chuyển đổi tạm thời và chưa bền vững trong hoạt động nông nghiệp.

Đoàn công tác cũng có cơ hội đến thăm Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đông Việt, một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm làm nha đam. Doanh nghiệp được xem như là một hình mẫu của địa phương về các hoạt động bền vững. Công ty đã thiết lập chuỗi giá trị ổn định và thúc đẩy phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động, đặc biệt là cộng đồng bản địa.

Cuộc khảo sát của đoàn chuyên gia nêu bật các vấn đề địa phương được thế giới quan tâm. Nhóm khảo sát mong muốn thúc đẩy các hoạt động bền vững, cộng tác với các bên liên quan nhằm đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương và cải thiện sinh kế của những nông dân gặp khó khăn trước các hiểm họa biến đổi khí hậu.