Thủ tướng: Cần dạy khởi nghiệp trong chương trình chính khóa

Bộ Giáo dục cần đưa khởi nghiệp vào dạy chính khóa, còn sinh viên dành thời gian, trí tuệ, quyết đoán để định hình công việc, khởi nghiệp từ khi đi học để tạo ra sự đột phá cho đất nước, theo Thủ tướng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ý kiến trên tại buổi khai mạc Ngày hội học sinh, sinh viên khởi nghiệp – SV Startup, tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, sáng 20/4. Ông đánh giá việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai mà cần một chiến lược lâu dài với các giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành để phát triển các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, vườn ươm tạo. Ngoài ra, Bộ cần tăng tốc các hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường, đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa.

“Các em cần biết thế nào là khởi nghiệp, cần có lý luận, học tập, được sống trong môi trường khởi nghiệp thì mới phát triển được”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại ngày hội khởi nghiệp, sáng 20/4. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Về phía các đại học, cao đẳng, trường phổ thông, Thủ tướng lưu ý bổ sung chuyên đề khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình học. Các cơ sở giáo dục phải phát triển phòng thí nghiệm hiện đại, hỗ trợ nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm. Giảng viên, sinh viên cần được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học ứng dụng, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ.

Thủ tướng gợi ý xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tại các địa phương và trường học; phát triển quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp bằng nguồn xã hội hóa.

Ngoài ra là sự kết nối của ba nhà: nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp phải tích cực đặt hàng, đầu tư và đồng hành cùng sinh viên. Bên cạnh hỗ trợ thực hành, thực tập và thương mại hóa ý tưởng, doanh nghiệp có thể cùng nhà trường truyền cảm hứng, động lực cho thế hệ trẻ.

Với học sinh, sinh viên, Thủ tướng khuyên dành thời gian, trí tuệ, quyết đoán để định hình công việc, khởi nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường để tạo ra sự đột phá cho đất nước. Các bạn trẻ cần xác định khởi nghiệp là nền tảng, là cơ hội nghề nghiệp, đồng thời là trách nhiệm đối với xã hội, tương lai của đất nước.

“Một quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp từ mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ”, ông Chính nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh hoạt động khởi nghiệp phải đi kèm lợi ích của học sinh, sinh viên với tinh thần thần tốc, táo bạo, không giới hạn. Từ đó, phong trào này mới bền bỉ, đi vào đời sống.

Thủ tướng thăm không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của học sinh, sinh viên trong khuôn khổ ngày hội, sáng 20/4. Ảnh: Trần Hiệp

Tổng kết 7 năm thực hiện đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết hơn 120 trường đại học đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, dưới hình thức bắt buộc hoặc tự chọn.

Giai đoạn 2020-2024, trung bình mỗi năm có khoảng 6.000 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Nguồn: Phóng viên Lệ Nguyễn – VNExpress