Trung tâm KVMN về Giáo Dục PTBV – Đại Học Quốc Tế tổ chức chương trình Hội thảo và tập huấn “Ứng dụng IoT trong giáo dục – Thảo luận và thực hành”

Với mục đích giới thiệu và chia sẻ các tiện tích của công nghệ IoT khi ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời hướng dẫn thực hành xây dựng 1 hệ thống IoT có thể ứng dụng vào bài giảng, làm học cụ trực quan, sinh động phục vụ chương trình giảng dạy, ngày 28/08/2020 Trung tâm KVMN về GDPTBV – Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TP.HCM tổ chức chương trình Hội thảo và Tập huấn “Ứng dụng IoT trong giáo dục – Thảo luận và thực hành”. 

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp nên Chương trình Hội thảo và Tập Huấn giới hạn số lượng khách mời tham gia và kết hợp tổ chức qua hìh thức tập trung và trực tuyến (qua zoom meeting). Tuy nhiên, Hội thảo vẫn đã nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều đơn vị trong và ngoài nước, bao gồm Viện Nghiên Cứu Phát Triển Bền Vững – Đại học Tài Nguyên Và Môi Trường TP.HCM, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM, Trường Đại học Thammasat (Thái Lan), Trường ĐH Quốc Tế và 15 trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Có tổng số 33 đại biểu tham dự hội thảo, trong đó, tham gia tập trung là 26 người và tham gia trực tuyến là 07 người (03 Giáo sư từ Trường Đại học Thammasat Thái Lan và 04 giáo viên từ các trường THPT tham gia trực tuyến).

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO VÀ TẬP HUẤN:

THỜI GIAN NỘI DUNG TRÌNH BÀY
7h30 – 8h00 Đón khách, Đăng ký đại biểu, khách mời
8h00 – 8h10 Giới thiệu mục tiêu và nội dung hội thảo PGS. TS. Phạm Thị Hoa

Trưởng Trung Tâm Khu vực Miền Nam về Giáo Dục và Phát Triển Bền vững – Trường Đại học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia TP.HCM

8h10 – 8h20 Phát biểu khai mạc PGS. TS. Đinh Đức Anh Vũ

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia TP.HCM

ThS Nguyễn Đức Tuấn

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP. HCM

8h20 – 8h50 Tích hợp IOT trong giáo dục: Kinh nghiệm từ mô hình “Water sensitive urban design”, và tích hợp vào môn học Eco-hydrology và môn Địa lý PGS. Kim Neil Irvine

Khoa Kiến Trúc và Quy Hoạch – Trường đại học Thammasat, Pathum Thani, Thái Lan

8h50-9h20 Tích hợp IOT trong giáo dục: Kinh nghiệm từ dự án “Kinh tế tuần hoàn và phát triển sản phẩm tại Thái Lan” GS. Jitiporn Wongwatcharapaiboon

Giám đốc Thiết kế Chương trình Quản Trị Công Nghệ và Kinh Doanh.

Khoa Kiến Trúc và Quy Hoạch – Trường đại học Thammasat, Pathum Thani, Thái Lan

9h20 – 9h50 Tích hợp IOT trong giáo dục: Kinh nghiệm từ dự án  Smart city và dự án Spin bus PGS. Kim Neil Irvine và nhóm các sinh viên

Khoa Kiến Trúc và Quy Hoạch – Trường đại học Thammasat, Pathum Thani, Thái Lan

9h50 – 10h20 Tích hợp IOT vào đề cương môn học – Phương pháp DECORE PGS.TS Phạm Thị Hoa

Trưởng Trung Tâm Khu vực Miền Nam về Giáo Dục và Phát Triển Bền vững – Trường Đại học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia TP.HCM

10h20 – 10h30 Giải lao
10h30 – 11h30 Thảo luận chung PGS.TS Phạm Thị Hoa
11h30 – 13h00 Nghỉ trưa
13h00 – 14h30 Thực hành xây dựng 01 bộ IOT đo nhiệt độ, độ ẩm và CO2 phục vụ bài giảng liên quan đến Biến đổi khí hậu ThS. Hoàng Nhật Trường

Trung Tâm Khu vực Miền Nam về Giáo Dục và Phát Triển Bền vững – Trường Đại học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia TP.HCM

ThS. Nguyễn Thoại Tâm

Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu – Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại Học Quốc Gia TP.HCM

14h30 – 15h00 Thảo luận chung PGS.TS Phạm Thị Hoa

ThS. Hoàng Nhật Trường

ThS. Nguyễn Thoại Tâm

15h00 – 15h15 Kết luận và Bế mạc

Mở đầu chương trình, PGS.TS. Phạm Thị Hoa – Trưởng Trung Tâm KVMN về PTBV – Trường ĐH Quốc Tế giới thiệu tóm tắt về bối cảnh và sự cần thiết của nội dung hội thảo, đồng thời, đặt 04 mục tiêu kỳ vọng mà buổi hội thảo hướng đến bao gồm: (1) Giới thiệu và chia sẻ các tiện ích của công nghệ IoT nói chung và những ứng dụng cụ thể trong giảng dạy; (2) xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các bậc học phổ thông và đại học trong nước và quốc tế trong việc ứng dụng IoT nhằm nâng cao hiệu quả trong giảng dạy, 3) hình thành một mạng lưới giáo dục STEAM trong đó có sự tham gia của các Trường ở các bậc học và 4) thực hành xây dựng 1 bộ IOT làm ví dụ điển hình để ứng dụng trong bài giảng. Hơn nữa, hội thảo cũng kỳ vọng tạo một kênh để các giáo viên các trường có thể cùng nhau thảo luận và phân tích SWOT về việc ứng dụng IOT trong giảng dạy, qua đó các trường có thể cùng nhau mở ra các hướng phối hợp hoặc liên kết trong tương lai, nhằm xây dựng một hệ sinh thái giáo dục ngày càng lớn mạnh.

Trong phần khai mạc, PGS. TS. Đinh Đức Anh Vũ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc Tế nhấn mạnh “Kể từ ngày thành lập đến nay, ý thức được vai trò tiên phong trong hội nhập quốc tế của mình, Trường chúng tôi đã không ngừng sáng tạo trong cải cách chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo để có thể truyền tải lượng kiến thức một cách hiệu quả nhất, đồng thời vừa khơi dậy được khả năng sáng tạo và tinh thần tự học của sinh viên. Một trong những cải cách đó là ứng dụng công nghệ IoT (Internet of Things) hoặc Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) nói chung trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học (và đặc biệt hiện nay đại dịch COVID 19 với diễn biến phức tạp và quá trình kiểm soát có thể kéo dài khó mà dự báo được (…)hơn bao giờ hết đây là cơ hội thúc đẩy các tổ chức giáo dục như chúng ta cần có bước chuyển đổi mạnh mẽ trong việc cải cách phương pháp đào tạo bằng việc ứng dụng công nghệ IoT từ tất cả các bậc học từ phổ thông cho đến đại học.

Hình 1: PGS. TS. Đinh Đức Anh Vũ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc Tế phát biểu khai mạc

Ngoài ra, cũng trong buổi khai mạc, ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM chia sẻ: Từ năm 2016, Sở KHCN đã và đang xây dựng chương trình hỗ trợ và đổi mới trong giáo dục có liên kết với STEM với kinh phí hơn 1 tỷ đồng mỗi năm (…). Ngoài ra, để ứng dụng cho xu thế đổi mới 4.0, TP.HCM cũng đã thực hiện các chương trình liên quan đến STEM, phát triển các Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, chương trình Start-up, … và nội dung chương trình hôm nay cũng là một thành phần trong xu thế chung này. Tôi mong rằng từ chương trình Hội thảo và Tập Huấn này, Sở cũng sẽ có thêm nhiều kênh thông tin từ các nước tiên tiến và nâng cao mối quan hệ với các sở ngành có liên quan, tạo điều kiện kết nối, cũng như tham mưu cho Ban giám đốc Sở KHCN và Ủy Ban Thành phố có những định hướng và kế hoạch thúc đẩy hoạt động tốt hơn và đem lại hiệu quả cho xã hội”

Hình 2: Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM phát biểu tại Hội Thảo

Nội dung buổi hội thảo bao gồm hai phần chính với 04 tham luận và 01 phần thực hành. Ba tham luận sẽ được trình bày từ các Giáo sư trường đại học Thammasat về các dự án và kinh nghiệm trong việc tích hợp IoT vào thành phố thông minh cũng như trong giáo dục môn học Eco-Hydrology và môn Địa Lý. Một tham luận sẽ được trình bày bởi PGS.TS Phạm Thị Hoa – Trưởng Trung tâm KVMN về PTBV về Đề án ứng dụng CNTT trong giáo dục vì sự phát triển bền vững, phương decore ứng dụng trong cải tiến đề cương môn học. Ở nội dung thực hành, ThS Hoàng Nhật Trường và ThS Nguyễn Thoại Tâm sẽ hướng dẫn các giáo viên thực hành xây dựng 01 bộ IoT đo nhiệt độ, độ ẩm và CO2 phục vụ bài giảng liên quan đến Biến đổi khí hậu.

Trong phần trình bày của mình, PGS.TS Kim Neil Irvine – Trường Đại học Thammasat (Thái Lan) đã giới thiệu chi tiết về nội dung ứng dụng công nghệ IOT vào môn học Địa lý để giảng dạy cho sinh viên. Theo đó, các sinh viên trong khóa học được tham quan, tìm hiểu về quy trình hoạt động của trạm quan trắc khí tượng dựa trên nền tảng IOT và học các truy xuất, phân tích, đánh giá các dữ liệu khí tượng từ 04 trạm quan trắc khí tượng của NIE. Một nội dung khác cũng được PGS. Kim ứng dụng vào chương trình giảng dạy đó là thiết lập một khu vườn mưa, mà trong đó, các cảm biến đo mưa, đo độ thấm và lưu lượng được tích hợp nhằm quan trắc và phân tích khả năng tiêu thoát nước bề mặt, từ đó, hướng dẫn cho sinh viên nhận biết và thực hiện các giải pháp quản lý vấn đề ngập lụt tại các đô thị.

Hình 3: PGS.TS Kim Neil Irvine cùng các cộng sự trình bày tham luận qua ứng dụng Zoom meeting

Tham luận 2 về “Kinh nghiệm từ dự án “Kinh tế tuần hoàn và phát triển sản phẩm tại Thái Lan” do GS. Jitiporn Wongwatcharapaiboon (GS.Ji) –  Giám đốc Thiết kế Chương trình Quản Trị Công Nghệ và Kinh Doanh, Khoa Kiến Trúc và Quy Hoạch – Trường đại học Thammasat, Thái Lan trình bày. GS. Ji giới thiệu về các khái niệm về kinh tế tuần hoàn, và dự án liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, GS. Ji đã làm nổi bật tầm quan trọng của IOT và giáo dục trong bức tranh kinh tế vĩ mô, cụ thể, IOT được tích hợp vào xuyên suốt quá trình phát triển sản phẩm liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, còn giáo dục vừa đóng vai trò cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng cho nền kinh tế tuần hoàn, lại vừa có thể sử dụng rất nhiều bài tập tình huống thực tế từ quá trình thực tiễn quy mô lớn này.

Hình 4: GS.Ji giới thiệu khái niệm về kinh tế tuần hoàn thông qua ứng dụng Zoom meeting

Ở bài tham luận tiếp theo, các sinh viên từ ĐH Thamasat là người trải nghiệm chương trình giảng dạy ứng dụng IOT trình bày về Spin bus, là một phần của dự án lớn “Thamasat Nava Nakorn Smart city project” mà họ tham gia. Dự án có sự phối hợp thực hiện của ĐH Harvard (Mỹ) và có 5 khóa học tại ĐH Thamasat được tích hợp trong dự án này. Mỗi khóa học kết nối với nhiều khía cạnh khác nhau về smart city, thông qua đó, sinh viên không chỉ tương tác với nhau mà còn tương tác với cộng đồng giúp tăng hiệu quả của dự án

Hình 5. Dự án Spin bus của nhóm sinh viên ĐH Thamasat

Tại Việt Nam, với kinh nghiệp nghiên cứu về giáo dục và phát triển bền vững, PGS.TS Phạm Thị Hoa – Trưởng Trung tâm KVMN về GDPTBV, Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM giới thiệu nội dung Tích hợp IOT vào đề cương môn học theo Phương pháp DECORE. Đây là một phần nội dung của Dự án “Tập huấn giáo viên về ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng giáo dục phát triển bền vững (ICTEFS)” do Erasmus+ tài trợ. Phần trình bày của PGS Hoa cũng kết thúc phiên Hội thảo buổi sáng.

Hình 6. PGS.TS Phạm Thị Hoa trình bày tại hội thảo

Mở đầu phiên buổi chiều – phần làm quen và thực hành IOT ứng dụng trong bày giảng, ThS Nguyễn Thoại Tâm đến từ Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TP.HCM giới thiệu về các bộ cảm biến quan trắc không khí mà đơn vị của anh đang xây dựng và vận hành tại TP.HCM. Nội dung giới thiệu của ThS Tâm cung cấp các hình ảnh trực quan, thực tế về việc ứng dụng IOT phục vụ cộng đồng và việc ứng dụng kết quả từ các thiết bị này vào chương trình đào tạo cho cà sinh viên và học viên cao học.

Hình 7. ThS Nguyễn Thoại Tâm giới thiệu các bộ cảm biến quan trắc chất lượng không khí đang vận hành tại TP.HCM

Tiếp theo nội dung nội dung thực hành, ThS Hoàng Nhật Trường – Trung tâm KVMN về GDPTBV, Trường Đại học Quốc tế giới thiệu về cách thực xây dựng một bộ IOT đo nhiệt độ đơn giản với cảm biến MAX6675 và ứng dụng vào bài giảng trên lớp học. Phần trình bày cũng bao gồm nội dung chia sẻ các kinh nghiệm về cách làm quen và tiếp cận với ngôn ngữ lập trình khi xây dựng 1 bộ IOT. Cũng trong phiên buổi chiều, các thầy cô cũng nhiệt tình chia sẻ về các khó khăn gặp phải trong việc ứng dụng IOT trong chương trình đào tạo hiện nay, đó là, các giáo viên và học sinh không đủ kiến thức nền trong lĩnh vực công nghệ thông tin, gặp khó khăn với ngôn ngữ lập trình nên việc tự xây dựng hoặc hướng dẫn học sinh ứng dụng IOT gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giữa học sinh THCS và THPT thiếu tính liên kết trong đào tạo các chương trình ngoại khóa, nên là rào cản lớn trong việc phát triển và ứng dụng IOT vào chương trình giảng dạy.

Hình 8. ThS. Trường giới thiệu thí nghiệm ứng dụng cảm biến MAX6675 vào bài giảng về tác động của CO2 trong việc gây hiệu ứng nhà kính

      Trong phát biểu bế mạc, PGS.TS. Phạm Thị Hoa, Trưởng Trung tâm RCE đã gửi lời cảm ơn tới tất cả quý đại biểu đã tham gia, hy vọng Hội Thảo này như một bước khởi động và sẽ tạo mối liên lạc, cầu nối cho các đơn vị đã tham gia ngày hôm nay có cơ hội kết nối và chia sẻ thông tin trong tương lai.

     Quý đại biểu có  thể xem tài liệu thội thảo tại Kênh Youtube của Trung tâm: RCE Southern VN.