Khoá Tập Huấn “Công Dân Tích Cực Với Khát Vọng Khởi Nghiệp” lần 2

TP.HCM, sinh viên trường Đại học Quốc Tế (ĐHQG-HCM) tiếp tục được tham gia khoá tập huấn mang tên “Công dân tích cực với Khát vọng khởi nghiệp” lần 2 được diễn ra 3 ngày từ 21 đến 23 tháng 11 năm 2019.

Đây là chương trình thuộc khuôn khổ hợp tác giữa Trường ĐH Quốc tế (ĐHQT) và Hội đồng Anh tại Việt Nam (HĐA) với mục tiêu lan tỏa tinh thần “Công dân tích cực” cho các em sinh viên, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp và sáng tạo xã hội cho sinh viên Nhà trường để các em có thể hình thành và triển khai thực tế những dự án hành động vì xã hội. Chương trình thực hiện bởi Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ của trường (CITT).

Hình tập thể sinh viên và điều phối viên

Khoá tập huấn lan tỏa thứ 2 đã tổ chức thành công sau 03 ngày (21-23/11/2019) cùng với sự vui tươi, hào hứng và tràn ngập năng lượng tích cực từ 70 bạn sinh viên của trường. Chương trình có sự tham gia hỗ trợ của anh Khổng Tuần Anh – điều phối viên từ Hội đồng Anh, cùng các điều phối viên là các giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng khác như ThS. Nguyễn Võ Huệ Anh (ĐH Tài chính Marketing), ThS. Phan Thanh Tiến (Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM), ThS. Lê Thị Thúy Nga (Cao đẳng Cao Thắng), và ThS. Lưu Thị Mỹ Ngọc (ĐH Nguyễn Tất Thành) đồng thời có sự trợ giúp của các cộng tác viên là các bạn sinh viên IU đã hoàn thành khóa tập huấn Công dân tích cực đợt 1 (17-19/10/2019).

Lớp tập huấn được thiết kế theo dạng vòng tròn

Chương trình được thiết kế bao gồm 04 học phần (Tôi: Bản sắc và Văn hoá; Tôi và bạn: Đối thoại đa văn hoá; Chúng ta và Cộng đồng; Lập kế hoạch hành động vì xã hội), với phương pháp học tập thông qua trải nghiệm giúp sinh viên vừa chơi vừa học thông qua các hoạt động tham gia. Nội dung tập trung vào khám phá và phát triển bản thân, tôn trọng sự khác biệt, đối thoại đa văn hóa và nắm giữ giả định nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, khoá tập huấn cũng cung cấp các các kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến khởi nghiệp tạo tác động xã hội như xác định các vấn đề xã hội, xây dựng mô hình cộng đồng, thuyết trình phản biện…

Hoạt động “Đóng khung và tái định hình” thuộc học phần 1

Hoạt động “Bốn từ” thuộc học phần 2

Hoạt động “Xây dựng bản đồ cộng đồng” trong học phần 3

Gặp gỡ giao lưu với Doanh nghiệp Xã hội

Ngoài các hoạt động trong khóa tập huấn các bạn sinh viên tham gia còn có cơ hội Gặp gỡ và giao lưu với Doanh nghiệp Xã hội là chị Selena Lê (Founder của No Waste Vietnam) và chị June Trần (Founder của SFly). Qua hơn 1 tiếng chia sẻ và trả lời các câu hỏi của các bạn sinh viên, 2 chị đã phần nào truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên tiếp tục lan tỏa tinh thần tích cực đến với những cộng động cũng như sẽ có những hành động thiết thực hơn cho xã hội.

Bên cạnh đó, TS. Trần Thị Ngọc Diệp (Trưởng Trung tâm ĐMST&CGCN) cũng có đôi lời giới thiệu về cuộc thi khởi nghiệp Fowler Global Social Innovation Challenge 2020 được tổ chức vào tháng 6 hàng năm tại San Diego, khi tham gia chương trình này, sinh viên vào vòng chung kết có thể nhận tiền đầu tư đến $50,000.

Trong nội dung cuối cùng của khóa Tập huấn, sinh viên được tìm hiểu sâu hơn về các mô hình doanh nghiệp, làm quen với các công cụ quản lý doanh nghiệp như Business Model Canvas, cách lập dự án hành động vì xã hội và tham gia cuộc thi “Shark Tank” phiên bản IU.

Sinh viên làm quen với mô hình Business Model Canvas

Qua hoạt dộng này, nhiều ý tưởng hay và sáng tạo được hình thành như Đề án “Bồ ơi, mình đi đâu thế?” – ý tưởng về show truyền hình thực tế giúp kết nối mọi người với nhau, Đề án “Học kỳ quân đội” – giúp học sinh sinh viên nâng cao kỹ năng, Đề án “Kết nối đam mê thể thao” – kết nối và tạo điều kiện phát triển cho các vận động viên tiềm năng (đã về hưu, bị chấn thương,…), Đề án E.B.L Project – giúp nâng cao nhận thức cho học sinh sinh viên, v.v. Thông qua đó có thể nhận thấy, các bạn sinh  viên nhà trường đã có quan tâm, tìm hiểu và mong muốn phần nào giải quyết các vấn đề xã hội.

Sinh viên tham gia “Shark Tank phiên bản IU”

Trích chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Hùng – Phó trưởng BM Kỹ thuật Xây dựng: “Việc xây dựng các công trình xây dựng gây ra những ảnh hưởng to lớn đến môi trường. Do đó, chương trình này rất bổ ích và giúp các em nâng cao nhận thức trong các thói quen sinh hoạt hằng ngày và trong việc xây dựng sắp tới có thể gây hại cho môi trường. Từ đó, tìm ra các giải pháp sáng tạo cải thiện môi trường, hướng đến phát triển bền vững”.

Sau khoá học, nhiều sinh viên đã gửi lời cảm ơn tới Nhà trường, Hội đồng Anh, các điều phối viên bởi sự bổ ích và nguồn năng lượng tích cực mà chương trình đã mang lại. Đó là sự sự tin khám phá bản thân, nâng cao nhận thức về tôn trọng sự khác biệt về bản sắc và văn hoá của mỗi cá nhân, sự hiểu biết về các giả định, kỹ năng đối thoại đa văn hoá, khả năng tư duy giải quyết vấn đề, tạo động lực khởi nghiệp,…

Điều phối viên và Cộng tác viên

Phát biểu và trao chứng nhận cho 69 bạn học viên hoàn thành khóa Tập huấn lần thứ 2, TS. Trần Thị Ngọc Diệp – Trưởng CITT đã gửi lời cảm ơn tới Hội đồng Anh và chia sẻ, động viên các bạn học viên hãy tiếp tục duy trì sự tự tin, liên tục rèn luyện phát triển kỹ năng và lan tỏa nhiều hơn tinh thần công dân tích cực tới các bạn sinh viên trong trường. Đồng thời, Nhà trường cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện về môi trường, chính sách thuận lợi nhất có thể để thúc đẩy sự chủ động và tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên trong thời gian tới.

Bài viết: Văn Minh & Thùy Vân